Đừng học quá nhiều từ cùng một lúc
Khi học từ vựng, hãy đặt mục tiêu một cách hợp lý. Mỗi ngày bạn chỉ nên học một vài từ thay vì học vài chục từ một lúc. Khoảng 10 từ một ngày là tối đa. Mỗi ngày hãy chọn ra khoảng vài từ vựng mà bạn thấy hay và hữu dụng và tập trung ghi nhớ những từ này.
Sử dụng sổ từ
Trong thời đại của Internet và điện thoại thông minh ngày nay, không phải ai cũng thích viết tay vào sổ nữa. Nhưng thực ra, chỉ riêng việc bạn viết tay, ghi chép lại từ mới cũng là một lần học và ghi nhớ. Khi ghi lại từ mới, bạn nhớ ghi lại cả ‘loại từ’ (tính từ, danh từ, động từ) và ít nhất một ví dụ nhé. Làm như vậy, bạn sẽ nhanh nhớ được cách sử dụng của từ hơn.
Sử dụng tranh ảnh
Thay vì viết, với một số từ, bạn có thể vẽ một vài hình ảnh đơn giản để thể hiện nghĩa của từ. Học từ bằng nhiều cách đa dạng và thú vị khác nhau sẽ giúp ta nhớ từ nhanh hơn. Cách học này đặc biệt hiệu quả với những bạn nhạy cảm và thích màu sắc, hình ảnh (visual learners).
Sử dụng flashcard
Flashcard là một mảnh giấy nhỏ, trên đó, một mặt bạn ghi từ mới và mặt còn lại ghi nghĩa, loại từ, ví dụ, phát âm vân vân. Hàng ngày bạn có thể mang theo những thẻ ghi từ mới này để thỉnh thoảng học và kiểm tra xem mình nhớ được bao nhiêu. Ví dụ, những lúc chờ, đi xe buýt, hoặc đứng đợi mua hàng, bạn có thể tranh thủ xem qua flashcard. Hoặc bạn cũng có thể dán flashcard này ở những chỗ dễ nhìn ở trong nhà.
Học gốc từ, tiền tố và hậu tố
Trong nhiều trường hợp chỉ cần biết được gốc từ, tiền tố, hay hậu tố của một từ, bạn có thể đoán được hoặc đoán được một phần nghĩa của từ đó.
Ví dụ: từ ‘microbiology’ có tiền tố ‘micro’ nghĩa là ‘rất nhỏ’ và ‘-ology’ nghĩa là ‘một môn học hay ngành nghiên cứu’. Như vậy, bạn có thể đoán được một phần nào nghĩa của từ này là ‘môn học/nghiên cứu về’ + ‘cái gì đó rất nhỏ’. Nếu bạn nhớ thêm ‘bio’ nghĩa là ‘sinh vật sống’ thì bạn có thể đoán được ‘microbiology’ là ‘ngành nghiên cứu về những sinh vật sống rất nhỏ’ hay ‘môn vi sinh vật’. Rất nhiều từ trong tiếng Anh được cấu tạo như vậy, giống như là trò chơi ghép hình. Khi biết được nghĩa của một số tiền tố phổ biến trong tiếng Anh (như –un, dis-, con-, co-) và hậu tố (-able, -ly, -ism, -ish), bạn có thể đoán và ghi nhớ tốt hơn nghĩa cũng như loại từ của nhiều từ trong tiếng Anh.
Học từ trái nghĩa và đồng nghĩa
Khi học một từ mới, nếu có thể, hãy học từ đồng nghĩa và trái nghĩa của từ này. Ví dụ: angry/happy (trái nghĩa) và angry/cross (đồng nghĩa). Chúng ta thường ghi nhớ những thứ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa nhanh hơn vì những từ này thường “dính” với nhau trong đầu chúng ta.
Đọc càng nhiều càng tốt
Đọc giúp bạn thấy được từ vựng trong nhiều văn cảnh đa dạng khác nhau. Bạn sẽ nhớ và hiểu cách sử dụng từ vựng nhanh hơn. Bạn hãy đọc những gì bạn thích, chứ không nhất định là đọc sách học tiếng Anh. Bạn có thể đọc sách, báo, tạm chí, tiểu thuyết và về bất kỳ chủ đề nào mà bạn quan tâm. Trên mạng cũng có rất nhiều thông tin bằng tiếng Anh thú vị bạn có thể đọc.
Ôn tập lại những từ đã học
Thỉnh thoảng hãy dành thời gian để ôn lại những từ đã học. Mục tiêu là bạn sẽ dần chuyển những từ đã học từ phần trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn. Nếu bạn liên tục ôn lại những từ đã học và cố gắng sử dụng chúng càng nhiều càng tốt thì vốn từ vựng tiếng Anh của bạn sẽ tăng rất nhanh đấy.
0 nhận xét: